Thứ Sáu, 19 tháng 4, 2013

Công nghiệp chế biến cao su Việt Nam còn yếu

Công nghiệp chế biến cao su Việt Nam còn yếu

Ngành công nghiệp chế biến cao su của Việt Nam ra đời từ những năm 1950 nhưng đến nay vẫn chưa phát triển tương xứng với vị trí một nước có nguồn nguyên liệu cao su dồi dào. Khối lượng cao su tiêu thụ trong công nghiệp chế biến chỉ mới đạt khoảng 10%, tương đương 50.000 tấn/năm.
Cong nghiep che bien cao su Viet Nam con yeu
Công nhân đang khai thác mủ cao su.
Sau gạo và cà phê, cao su là mặt hàng nông sản xuất khẩu lớn thứ ba của Việt Nam với sản lượng năm 2004 là 513.300 tấn, tương đương kim ngạch gần 597 triệu USD. 90% sản lượng cao su hiện được xuất khẩu ở dạng nguyên liệu thô, chỉ 10% (50.000 tấn) dành cho công nghiệp chế biến cao su ở trong nước.
Mặc dù những năm gần đây, doanh nghiệp kinh doanh cao su có nhiều lợi nhuận, đặc biệt trong bối cảnh giá xăng dầu đang liên tục tăng khiến nhu cầu tiêu thụ cao su nguyên liệu tăng cao; nhưng giá trị mang lại chưa tương xứng với sản lượng xuất khẩu do chỉ tập trung vào xuất khẩu nguyên liệu mà chưa chú trọng đến công nghiệp chế biến. Thêm vào đó, phân tích của giới chuyên môn cho thấy, hạn chế của ngành công nghiệp sản xuất cao su là cơ cấu sản phẩm và định hướng đầu tư quá thiên về các loại săm lốp xe đạp, xe máy, ô tô, trong khi khả năng cạnh tranh trên thị trường thế giới còn yếu. Những mặt hàng chế biến từ mủ ly tâm như condom, ống xông, găng tay y tế... chưa được các doanh nghiệp chú trọng đầu tư.
Ông Lê Văn Trí, Phó giám đốc Công ty Casumina cho biết, nguồn nguyên liệu cao su phục vụ sản xuất cho các nhà máy của Casumina luôn bị động, gây khó khăn trong hoạt động sản xuất, nhất là trong tình hình giá xăng dầu tăng. Nhiều doanh nghiệp khác cũng không yên tâm khi đưa ra các quyết định mở rộng sản xuất hoặc đầu tư mới, đặc biệt là hướng đến sản xuất những sản phẩm mới như sản phẩm latex.
Hai năm trước, ngành công nghiệp sản xuất các sản phẩm cao su, mà nòng cốt là Tổng công ty hóa chất Việt Nam, Công ty cao su Sao Vàng, Công ty cao su Đà Nẵng và Công ty cao su Miền Nam chỉ xuất khẩu được khoảng 50 triệu USD các sản phẩm như săm lốp ô tô, xe đạp, xe máy, cao su kỹ thuật, găng tay, giày ủng... Đến 2004, riêng xuất khẩu cao su chế biến đã đạt kim ngạch trên 100 triệu USD. Tuy nhiên, giới kinh doanh cao su cho rằng, sự tăng trưởng này chưa thể hiện đúng mức khả năng phát triển của các doanh nghiệp sản xuất. Nếu được đầu tư đúng mức, giá trị xuất khẩu các sản phẩm chế biến từ cao su sẽ còn tăng gấp nhiều lần so với hiện nay.
Để hai khu vực hạ nguồn (sản xuất các sản phẩm công nghiệp, đồ gỗ cao su...) và khu vực thượng nguồn (cung cấp nguyên liệu) hỗ trợ nhau cùng phát triển, tăng hiệu quả kinh tế và kim ngạch xuất khẩu nói chung, Bộ Thương mại vừa chỉ đạo định hướng lại ngành công nghiệp cao su. Theo đó, phương hướng phát triển là phải chuyển từ định hướng xuất khẩu nguyên liệu là chính sang định hướng ưu tiên sản xuất, xuất khẩu các sản phẩm công nghiệp từ cao su, gỗ cao su kết hợp với xuất khẩu nguyên liệu. Việc định hướng lại này cũng nhằm làm tăng giá trị cho cao su Việt Nam khi xuất khẩu.
Để thực hiện được sự chuyển hướng này, Bộ Thương mại đưa ra 10 giải pháp, trong đó đáng ý là nội dung khuyến khích thu hút đầu tư trong và ngoài nước vào khu vực sản xuất các sản phẩm công nghiệp cao su, đặc biệt là các sản phẩm latex; và sẽ đưa ngành công nghiệp này vào danh mục ưu đãi đầu tư. Bộ Thương mại cũng sẽ có chính sách khuyến khích phát triển sản xuất các loại nguyên phụ liệu cho ngành công nghiệp chế biến cao su trong nước để giảm lệ thuộc nhập khẩu từ nước ngoài. Trước mắt sẽ giảm thuế các mặt hàng nguyên phụ liệu nhập khẩu ngành cao su xuống còn 5-10% như đề nghị của Tổng công ty hóa chất Việt Nam.
Phan Anh
Việt Báo (Theo_VnExpress.net)

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

 
Bản quyền thuộc về công ty cao su thuận lợi -Email: rubberngochoi@gmail.com - Hotline:0918712879 | Rubber svr3l-svr10-svr20