Ngành cao su sau 2 năm gia nhập WTO
Cao su Việt Nam đã xuất khẩu sang hơn 45 thị trường, có mặt tại Mỹ, EU, Nhật Bản, Trung Quốc, và mở rộng sang Đông Âu, Trung Đông, Nam Mỹ và châu Phi. Sau khi gia nhập WTO, đầu tư nước ngoài vào ngành cao su ngày càng tăng, thành công nhiều hay ít phụ thuộc phần lớn vào việc triển khai linh hoạt các cam kết. Read More
Một số thông tin trên đã được các đại biểu chia sẻ tại cuộc Hội thảo “Phát triển bền vững ngành cao su Việt Nam trong thời kỳ hội nhập kinh tế quốc tế” được tổ chức hôm nay 23/12 tại Hà Nội. Hội thảo nằm trong khuôn khổ Chương trình “Đánh giá tác động hội nhập sau 2 năm gia nhập WTO đối với nền kinh tế Việt Nam” do Bộ Công Thương, Học viện Chính trị- Hành chính Quốc gia Hồ Chí Minh, Trung tâm thông tin công nghiệp và thương mại, Văn phòng Ủy ban quốc gia về Hợp tác kinh tế quốc tế, công ty Thanh niên Việt Nam phối hợp tổ chức.
Sau hai năm gia nhập WTO, hội thảo đánh giá ngành cao su đã có bước chuyển mạnh về nhiều mặt từ sản xuất đến xuất khẩu, từ giải quyết việc làm đến vấn đề bảo vệ môi trường, nâng cao đời sống nhân dân... Tuy nhiên, ngành cũng gặp phải những tồn tại phát sinh, cần điều chỉnh phát triển trong bối cảnh kinh tế thế giới đang suy thoái, ẩn chứa nhiều rủi ro.
Tại hội thảo, Tiến sĩ Trần Thị Thúy Hoa - Tổng thư ký Hiệp hội cao su Việt Nam cho biết, khoảng 85% sản lượng cao su Việt Nam hiện dành cho xuất khẩu. Sau hai năm gia nhập WTO, các doanh nghiệp xuất khẩu cao su nguyên liệu được lợi hơn khi thuế nhập khẩu vào các nước giảm. Họ được bình đẳng với các nhà xuất khẩu khác trên cùng thị trường, nhưng yêu cầu về chất lượng tỏ ra nghiêm ngặt hơn và phải phù hợp với tiêu chuẩn quốc tế.
Theo GS.TS Nguyễn Việt Bắc- Viện Hoá học Vật liệu, trong những năm qua, việc canh tác cao su tự nhiên (NR) Việt Nam đã đạt được những tiến bộ vượt bậc. Tuy vậy, tỷ lệ gia công, chế biến trong nước còn ít ỏi và có cơ cấu sản phẩm chưa tối ưu. Lượng cao xu thô xuất khẩu qúa lớn đã hạn chế đáng kể hiệu quả kinh tế của vật liệu chiến lược này.
Chỉ trong 10 tháng đầu năm 2008, VN đã xuất khẩu được 510.000 tấn NR, đạt giá trị 1,4 tỷ USD, dự tính cả năm sẽ đạt 1,65 tỷ USD. Hiện nay VN là quốc gia đứng thứ 4 trên thế giới sau Thái Lan, Indonesia và Malaysia. Công nghiệp chế biến cao su của VN hiện nay mới tập trung chủ yếu vào gia công cao su khô nên cơ cấu mặt hàng và khối lượng sản phẩm của ta ít ỏi hơn nhiều so với Thái Lan và Malaysia
Đánh giá khá về những tác động của việc gia nhập WTO đối với ngành cao su, ông Trịnh Minh Anh, các doanh nghiệp cao su Việt Nam được hưởng ưu đãi về thuế và phí tại các thị trường WTO, trong đó có Trung Quốc và Đài Loan là những thị trường chính, nên sản phẩm của ta tránh được việc ép giá. Việc hội nhập với khu vực cũng giúp ngành cao su Việt Nam nâng cao chất lượng nhân lực, nghiên cứu khoa học và giống. Việc tăng cường hợp tác với ba nhà xuất khẩu lớn nhất thế giới là Thái-lan, Indonesia và Malaysia cho phép Việt Nam chủ động được về giá và thị trường xuất khẩu.
Trong báo cáo đưa ra tại hội thảo, PGS.TS Vũ Năng Dũng - Viện trưởng Viện quy hoạch và thiết kế nông nghiệp cũng chỉ ra những tồn tại cần khắc phục đối với ngành cao su Việt Nam. Đó là kỹ thuật khai thác còn thấp hơn so với quốc doanh. Thiết bị và công nghệ sơ chế mủ cao su cần tiếp tục hiện đại hóa, cơ cấu sản phẩm cần được điều chỉnh để phù hợp với nhu cầu thị trường thế giới và trong nước, chú trọng vấn đề xử lý môi trường trong chế biến mủ.
Nhìn chung, tham luận của các đại biểu tại Hội thảo đã tập trung vào các chủ đề như tác động của việc đổi mới cơ chế chính sách quản lý nhà nước tới sự phát triển bền vững ngành cao su; Xu hướng phát triển sử dụng nguyên liệu cao su thiên nhiên; Những giải pháp nhằm nâng cao giá trị gia tăng hàng cao su xuất khẩu…
trích nguồn:Caosunguyendinh.com
0 nhận xét:
Đăng nhận xét