Thứ Ba, 9 tháng 4, 2013

Một số giải pháp phát triển kinh tế - xã hội bền vững vùng Tây Nguyên

Một số giải pháp phát triển kinh tế - xã hội bền vững vùng Tây Nguyên
Đăng ngày: (05-04-2013); Số lượt đọc: 37
Khi bắt đầu triển khai một số nhiệm vụ khoa học và công nghệ là các đề tài nghiên cứu về Tây Nguyên, theo tôi phải xem xét lại định hướng mục tiêu, nội dung nghiên cứu và cách thức tổ chức xác định và thực hiện nhiệm vụ trong Chương trình nghiên cứu Tây Nguyên III như chúng ta đang triển khai.
Căn cứ vào kết quả nghiên cứu, từ đó so sánh những mặt đạt được, mặt tích cực và những bất lợi, tồn tại và giải pháp ngắn hạn, dài hạn cho sự phát triển Tây Nguyên trong tương lai. Ðiều quan trọng của các công trình nghiên cứu trong Chương trình Tây Nguyên III là phải đánh giá được hiện trạng, xác định được đường hướng phát triển, hoạch định được chính sách để khắc phục những hạn chế, khiếm khuyết trong phát triển Tây Nguyên.
Mục tiêu đặt ra là Tây Nguyên phát triển bền vững cả về chính trị, kinh tế - xã hội, quốc phòng – an ninh. Muốn làm được như vậy cần thiết phải thực hiện một số vấn đề sau đây:
 Đánh giá, quy hoạch, phát triển bền vững ngành nông – lâm nghiệp
 Về tài nguyên rừng
 Trước hết cần phải tiến hành đánh giá hệ thống thảm thực vật nói chung và diện tích các loại rừng của Tây Nguyên nói riêng. Ðánh giá về hiện trạng quản lý, khai thác và phát triển hệ thống thảm thực vật này như thế, đã hợp lý chưa, khiếm khuyết bất cập là cái gì…
 Tiến hành đánh giá hệ thống rừng đặc dụng bao gồm các khu rừng Quốc gia, Khu bảo tồn thiên nhiên ở Tây Nguyên hiện nay. Cần thiết phải đề xuất những giải pháp mạnh, cơ chế đặc biệt để bảo vệ cho bằng được tài nguyên thiên nhiên, hệ sinh thái rừng, đa dạng sinh học, động thực vật quý hiếm. Phải có cơ chế tài chính, xử lý thật nghiêm đối với những ai xâm hại đến tài nguyên rừng nơi đây. Có thể cho phép thuần dưỡng một số voi rừng để đảm bảo số lượng đàn voi nhà phục vụ du lịch văn hóa Tây Nguyên.
 Ðối với rừng kinh tế, nên thực hiện việc tạm dừng khai thác rừng tự nhiên, tập trung công tác khoanh nuôi, bảo vệ tái sinh rừng, trồng rừng nguyên liệu phục vụ cho ngành công nghiệp chế biến gỗ và các sản phẩm từ gỗ rừng trồng.
 Hiện nay ở Tây Nguyên đã có hai nhà máy chế biến gỗ MDF tại An Khê Gia Lai và Ðắk Nông. Các công trình nghiên cứu của Chương trình Tây Nguyên III phải đề xuất được giải pháp về qui hoạch, định hướng phát triển các vùng nguyên liệu phục vụ cho các nhà máy chế biến gỗ này. Theo kinh nghiệm của tôi, các tỉnh Tây Nguyên có thể xây dựng thêm 2 – 3 nhà máy chế biến gỗ nữa với qui mô công suất khoảng 200.000 – 300.000 m3 sản phẩm/năm.
 Về công nghệ của các nhà máy không nên dùng công nghệ sản xuất bột giấy hoặc sản xuất ván dăm, bởi lẽ yếu tố kỹ thuật và môi trường cũng như thị trường tiêu thụ và lợi nhuận thấp. Do đó phải sản xuất được sản phẩm cuối cùng là gỗ ván sợi. Nhất thiết phải lực chọn công nghệ sản xuất gỗ từ MDF trở lên, định hướng công nghệ HDF trong sản xuất chế biến gỗ.
 Rừng phòng hộ: tập trung bảo vệ diện tích rừng và thảm thực vật che phủ của lưu vực thượng nguồn sông Mê Kông; lưu vực các con sông của đông Trường Sơn. Loại rừng này quan tâm bảo vệ thảm thực vật tự nhiên, nơi không có rừng hoặc mất rừng thì tiến hành trồng mới. Giải pháp trồng rừng phòng hộ là đề xuất phương châm trồng loài cây đối lập nhu cầu sử dụng của con người để không bị chặt phá (ví dụ như cây si, đa, bồ đề, gạo, gòn, kơnia, sung….)
 Quan tâm đến xử lý và áp dụng chính sách trả phí tài nguyên rừng khi xây dựng các công trình công nghiệp, thủy điện, thủy lợi.
 Về các cây công nghiệp, nông sản
 Với diện tích và sản lượng chiếm khoảng 90% với so toàn quốc, kim ngạch xuất khẩu khoảng 2 tỷ USD mỗi năm. Các tỉnh Tây Nguyên đã đưa Việt Nam trở thành nước xuất khẩu cà phê hàng đầu thế giới, cà phê đã trở thành sản phẩm chủ lực của Tây Nguyên và của Việt Nam. Tuy nhiên, hiện nay cà phê ở Tây Nguyên đang phải đối mặt với một số vấn đề sau đây: Diện tích cà phê già cỗi lớn; năng suất chưa ổn định và chưa đồng đều, chất lượng còn thấp do thu hoạch quả xanh và phơi trên nền đất; giá trị gia tăng và giá trị xuất khẩu còn thấp chưa tương xứng; lượng nước dùng cho canh tác cà phê lớn, môi trường sinh thái ở những nơi trồng cà phê bị thay đổi; mực nước ngầm hạ thấp, nước mặt thiếu; hệ sinh thái của vùng trồng cà phê không đảm bảo tính đa dạng và bền vững, trồng cà phê độc canh, ít xen canh; khả năng tái canh và phục tráng cà phê chưa có được giải pháp hữu hiệu; các doanh nghiệp thu mua cà phê nhân đang gặp khó khăn. Nhiều doanh nghiệp lớn có nguy cơ phá sản hàng nghìn tỷ đồng, hệ thống tiêu thụ và thị trường cà phê trong nước không ổn định. Hiện đang xuất hiện các công ty, đầu nậu nước ngoài thao túng thị trường cà phê nhân Việt Nam.
 Ngành cà phê Việt Nam đang đứng trước thách thức lớn để có thể tồn tại và phát triển. Ban Chỉ đạo Tây Nguyên nên báo cáo Chính phủ và đề xuất Chương trình Quốc gia phát triển bền vững cây cà phê. Trong đó lưu ý tất cả các vấn đề từ mục tiêu phát triển, giải pháp kỹ thuật, tài chính, tổ chức sản xuất, qui hoạch, tiêu chuẩn chất lượng, thị trường, chế biến rang xay, cà phê hòa tan… cho phát triển cà phê.
 Các loại cây khác như cao su, hồ tiêu, chè, dược liệu... cũng cần nghiên cứu có chính sách phát triển phù hợp. Tây Nguyên có diện tích cây cao su lớn của nước ta, chỉ đứng sau vùng Ðông Nam Bộ. Tuy nhiên, Tây Nguyên còn có tiềm năng lớn để mở rộng diện tích trồng cây cao su, hiện tại và tương lai sẽ trở thành một trung tâm phát triển cây cao su, sản xuất các sản phẩm từ cao su phục vụ phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, để có thể phát triển cao su một cách bền vững, đem lại hiệu quả kinh tế cao nhất, cần có một số chính sách phát triển phù hợp.
 Có thể giao cho các công ty, nông lâm trường, doanh nghiệp và nông hộ trồng và chế biến cao su ở những nơi có điều kiện lập địa phù hợp với sinh thái của cao su. Có thể cho phép chuyển đổi rừng nghèo kiệt sang trồng cây cao su trên cơ sở quyết định về qui hoạch phát triển cao su của cả nước theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ.
Ban hành chính sách, quan tâm phát triển xây dựng nhà máy chế biến mủ cao su dạng khô, sản xuất chế biến các sản phẩm tiêu dùng, sản phẩm y tế… từ mủ cao su thiên nhiên. Xử lý môi trường từ việc trồng cho đến chế biến mủ cao su. Gắn việc xây dựng các nhà máy ván sợi với việc qui hoạch trồng, khai thác và thanh lý cây cao su đã hết tuổi khai thác mủ làm nguyên liệu sản xuất gỗ.
 Tiếp tục giao cho Tập đoàn Cao su Việt Nam nghiên cứu bộ giống cây cao su cho năng suất mủ lớn, sản lượng gỗ cao, thời gian khai thác kéo dài và có thể trồng thích nghi được ở một số vùng sinh thái khác nhau. Khuyến khích phát triển diện tích lớn cao su của Tập đoàn cao su Việt Nam tại Tây Nguyên.
 Tây Nguyên cũng là một vùng có diện tích chè lớn của cả nước. Các địa phương tập trung nhiều chè ở Tây Nguyên là Lâm Ðồng khoảng 30.000 ha; Gia Lai, Kon Tum và Ðắk Nông. Vùng Kon Tum mới đây đã phát hiện cây chè cổ thụ hàng trăm tuổi, cần nghiên cứu xem xét nguồn gen, giống chè này.
 Ðể sản phẩm của cây chè ngày càng đem lại giá trị kinh tế cao cần thiết phải thực hiện một số việc sau đây: Nghiên cứu xây dựng qui hoạch phát triển cây chè ở Tây Nguyên. Xác định cây chè có thể đem lại giá trị xuất khẩu hàng tỷ đô la mỗi năm; nghiên cứu tái cơ cấu giống chè, mô hình tổ chức sản xuất, chế biến và tiêu thụ chè; tăng diện tích trồng các giống chè có khả năng chế biến chè ô long ở những vùng có điều kiện phù hợp như Bảo Lộc, Lâm Ðồng, Ðắk Nông, Kon Tum… Ðẩy mạnh việc mở rộng thị trường xuất khẩu sản phẩm chè ở nước ngoài. Áp dụng các công nghệ sản xuất hiện đại từ khâu trồng, chăm sóc, bón phân, che bóng, thu hái, chế biến… để đảm bảo có được sản phẩm chất lượng cao…
 Ngoài ra, cần có nghiên cứu, đánh giá, điều tra tiềm năng các cây dược liệu tại Tây Nguyên. Cây sâm Ngọc Linh, cây alipat, chè atiso,…là nguồn gen quý, cần bảo tồn và có thể phát triển sản xuất đại trà làm nguyên liệu sản xuất dược phẩm.
 Lợi thế của Tây Nguyên là phát triển chăn nuôi đại gia súc, cá nước lạnh trên các hồ thủy lợi, thủy điện và các thủy vực cho phép ở một số địa phương như Kon Tum, Ðắk Nông, Ðắk Lắk, Lâm Ðồng. Nơi đây đã và đang phát triển nuôi cá nước lạnh với qui mô công nghiệp lớn, cần nghiên cứu tổng kết rút kinh nghiệm và qui hoạch phát triển trong thời gian tới.
 Phát triển nghề nuôi ong mật, giá trị sản phẩm mật ong của Tây Nguyên chiếm khoảng 50% giá trị của toàn quốc với kim ngạch xuất khẩu khoảng 100 triệu USD/năm. Hiện nay và tương lai, cần thiết phải nghiên cứu công nghệ, kỹ thuật sản xuất sữa ong chúa, phấn hoa để sản xuất các thực phẩm chức năng, dược phẩm, trên cơ sở khai thác mùa hoa tự nhiên của cây rừng và cây trồng khác. Ðảm bảo phát triển sản lượng lớn, ổn định và chất lượng cao để xuất khẩu và tiêu dùng trong nước.
Phát triển công nghiệp, cơ sở hạ tầng kỹ thuật
 Tây Nguyên cần xem xét và không nên phát triển thêm các nhà máy thủy điện nữa, tập trung công nghiệp khai khoáng nhất là khai thác và chế biến bauxit, công nghệ chế biến alumin tiên tiến, hiệu suất thu hồi nhôm cao, xử lý bùn đỏ tốt nhất, các loại khoáng sản khác cần chờ thời cơ công nghệ tiên tiến để đạt hiệu quả kinh tế và hiệu quả môi trường cao nhất. Công nghiệp chế biến nông lâm sản, công nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng, công nghiệp sản xuất hàng tiêu dùng, cơ khí phục vụ sản xuất nông lâm nghiệp…
 Hiện nay và tương lai, cơ sở hạ tầng kỹ thuật phục vụ phát triển Tây Nguyên có ba vấn đề lớn cần quan tâm đầu tư đó là giao thông và nước.
 Vấn đề phát triển hạ tầng giao thông: hiện nay ngoài đường bộ, đường hàng không từ các nơi đến Tây Nguyên hiện chưa có phương tiện giao thông nào khác. Phát triển đường bộ nối cả nước với Tây Nguyên càng sớm càng tốt, hệ thống đường bộ hiện có đang xuống cấp nghiêm trọng và quá tải ở các Quốc lộ: 14, 19, đường Hồ Chí Minh, 26, 28… hệ thống các con đường này cần phải được nâng cấp ngay ít nhất đạt chuẩn của đường cấp 3 đồng bằng. Nên xây dựng đường Hồ Chí Minh là cao tốc song song với Quốc lộ 1A.
 Hệ thống đường liên tỉnh, đường liên huyện nhiều nơi đã xuống cấp, hư hỏng cần nâng cấp ngay. Ðảm bảo giao thông thông suốt ở các mùa trong năm. Sớm xây dựng đường giao thông ở Tây Nguyên bằng bê tông xi măng. Sớm đưa dự án xây dựng đường sắt từ miền Trung và Thành phố Hồ Chí Minh lên Tây Nguyên vào triển khai thực hiện.
 Quan tâm giải quyết vấn đề nước cho Tây Nguyên nhằm đáp ứng yêu cầu nước tưới cho cây nông nghiệp và cây công nghiệp. Nước đáp ứng nhu cầu sinh hoạt và sản xuất của người dân Tây Nguyên trong cả mùa khô và mùa mưa. Xem xét lại cơ cấu cây trồng giảm nhu cầu nước tưới, nâng cao hiệu quả sử dụng nước tưới cho cây trồng. Cần có giải pháp sử dụng các nguồn nước từ các hồ thủy điện, hồ thủy lợi một cách hiệu quả nhất.
 Phát triển hệ thống cung cấp điện, viễn thông: hiện nay mạng lưới điện và viễn thông ở Tây Nguyên thua kém rất nhiều so với các vùng khác, do vậy cần có giải pháp đầu tư sớm xây dựng các hệ thống truyền tải điện, mạng lưới viễn thông, dịch vụ cho các khu dân cư, khu công nghiệp và đáp ứng qui hoạch phát triển kinh tế - xã hội của từng địa phương.
 Ngoài ra, cần có chính sách luân chuyển, thu hút cán bộ; chính sách khuyến khích đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào các tỉnh Tây Nguyên. Hiện nay, Tây Nguyên là vùng có số dự án FDI thấp nhất cả nước. Kêu gọi các nhà đầu tư, thu hút các nguồn vốn xây dựng và phát triển Tây Nguyên. Cần điều tra, đánh giá số lượng, loại hình các doanh nghiệp ở Tây Nguyên trong đó có loại hình doanh nghiệp quốc doanh, dân doanh và so sánh với cả nước.
 Ðánh giá về tổ chức, hiệu quả hoạt động của các nông lâm trường quốc doanh, diện tích đất đai, tài nguyên do đối tượng doanh nghiệp này quản lý. Thực tế cho thấy, trong những năm vừa qua, diện tích đất, tài nguyên các loại do loại hình doanh nghiệp này ở Tây Nguyên quản lý là rất lớn nhưng hiệu quả chưa cao.
 Vấn đề dân tộc, tôn giáo:
 Phát triển dân số Tây Nguyên ổn định, bền vững. Qui mô dân số ở Tây Nguyên như hiện nay là hợp lý, nên khuyến khích tăng cơ học dân số bằng nguồn nhân lực đã qua đào tạo, thợ lành nghề, trình độ cao, dịch vụ…Giải pháp là tổ chức tốt các trường, viện ở Tây Nguyên theo yêu cầu phát triển của các địa phương. Chính sách ưu đãi, thu hút, thay đổi chất lượng nguồn lao động của Tây Nguyên.
 Các chính sách này cần mạnh mẽ hơn, ưu đãi hơn, chi phí cao hơn cho con em đồng bào dân tộc theo hình thức tuyển sinh, nội trú trong hệ thống giáo dục quốc dân. Hiện nay lĩnh vực này đã cố gắng nhưng chưa đáp ứng được yêu cầu, chưa tương xứng với điều kiện, tiềm năng. Có nguy cơ tạo ra những lỗ hổng về giáo dục, dẫn đến mất niềm tin của đồng bào dân tộc.
 Tôn giáo: điều quan trọng là tổ chức tốt tuyên truyền, vận động, quản lý tốt việc phát triển của các loại hình tôn giáo, đạo giáo. Chúng ta không nên nói là người khác truyền đạo trái phép mà có cách tuyên truyền chính xác hơn.
 Gần đây có một xu hướng có thể nói là tiến bộ. Một bộ phận đồng bào dân tộc tại chỗ hướng theo đạo Phật ngày càng nhiều, do vậy cần có nghiên cứu định hướng để đảm bảo tự do tín ngưỡng và tự do không tín ngưỡng đối với họ.
 Phải sớm có điều tra, đánh giá ban hành một số chính sách phù hợp có hiệu quả về vấn đề quan hệ, cơ cấu dân tộc Tây Nguyên, ngăn ngừa nguy cơ xung đột sắc tộc và tạo sự đoàn kết thống nhất, cùng tồn tại và phát triển của các dân tộc ít người với người kinh ở Tây Nguyên.
Đăk Nông Online

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

 
Bản quyền thuộc về công ty cao su thuận lợi -Email: rubberngochoi@gmail.com - Hotline:0918712879 | Rubber svr3l-svr10-svr20