Chủ Nhật, 7 tháng 4, 2013

Kinh tế thế giới năm 2012 và triển vọng 2013

(Tài chính) Sau 5 năm vật lộn với cuộc khủng hoảng tài chính và suy thoái trầm trọng nhất từ trước đến nay, nền kinh tế thế giới bắt đầu le lói phục hồi, mặc dù chưa thật vững chắc do Mỹ và các nước khu vực euro tiếp tục phải đối mặt với khó khăn tài chính.
TĂNG TRƯỞNG KINH TẾ THẾ GIỚI NĂM 2012 VÀ DỰ BÁO NĂM 2013 (%)
Quốc gia, khu vực
Năm 2012
Năm 2013
Toàn cầu
3,3
3,6
Các nước phát triển
1,3-1,4
1,6
Các nước EU
-0,3
0,4
Khu vực euro
-0,4
0,1
Các nước BRICS
5,0-5,3
5,5
Các nước đang phát triển
-
5,6
Châu Á – Thái Bình Dương
5,6
-
Các nước ASEAN
5,2
5,5
Châu Phi
4,5
4,8
Trung Đông – Bắc Phi
5,1
3,7
Các nước Mỹ latinh và Caribê
3,7
4,7
Các nước trung Âu
1,9
2,9
Cộng đồng các quốc gia độc lập CIS
4,2
4,1
Mỹ
1,5
2,3-3,0
Nhật Bản
2,2
1,0
Trung Quốc
8,0
7,5
Ấn Độ
5,7-5,9
6,3
CHLB Nga
3,5-4,0
3,9
CH Nam Phi
2,7
3,6

Nguồn: IMF, các tổ chức tài chính khu vực, báo cáo quốc gia

Tăng trưởng thấp và bất ổn tại các nước phát triển đang tác động đến các nền kinh tế mới nổi và đang phát triển thông qua các hoạt động thương mại và đầu tư. Đáng chú ý, do nhu cầu nhập khẩu yếu ớt tại các nước phát triển, thương mại toàn cầu năm 2012 chỉ tăng 3,2%, trong khi năm 2011 tăng 5,8% và năm 2010 tăng 12,6%. Tại các nền kinh tế mới nổi BRICS, tăng trưởng cũng giảm từ 6,2% năm 2011 xuống 5,3% trong năm nay. Dẫn đầu nhóm BRICS là Trung Quốc với tốc độ tăng trưởng năm 2012 là 8,0% và có thể vẫn tăng 7,5% vào năm 2013. Triển vọng kinh tế Ấn Độ không rõ ràng và chỉ tăng dưới 6%, mức thấp nhất trong 9 năm qua, kỳ vọng năm 2013 sẽ phục hồi và tăng trên 6%.
Tại khu vực Trung Đông và Bắc Phi, các nước nhập khẩu dầu mỏ tiếp tục đối mặt với bất ổn kinh tế và chính trị, dự kiến chỉ tăng 1,25% trong năm 2012 trước khi phục hồi vào năm sau. Riêng các nước xuất khẩu dầu mỏ vẫn tăng khá và đạt 6,25% trong năm 2012 nhờ giá dầu tăng cao và sự phục hồi sản lượng dầu khai thác tại Arập Xêút và Libya, nhưng sau đó sẽ giảm tốc và chỉ tăng 3,75% trong năm 2013.
Tại khu vực Mỹ latinh và Caribê, GDP tăng 3,7% vào nửa cuối năm 2012 và 4,7% trong nửa cuối năm 2013. Các nước trung Âu sẽ tăng 4% vào cuối năm 2013, cộng đồng các quốc gia độc lập tăng 4% vào cuối năm 2013, trong đó CHLB Nga tăng 3,7%. Các nước cận Sahara tăng trung bình 5%, riêng Nam Phi vẫn trì trệ do có mối liên hệ chặt chẽ với châu Âu.
Nhiều nhà đầu tư và phân tích tài chính cho rằng, kinh tế thế giới năm 2012 đã chạm đáy và sẽ phục hồi mạnh từ nửa cuối năm 2013, chủ yếu bắt nguồn từ các chỉ số kinh tế vĩ mô tươi sáng tại Mỹ, nổi bật là tỉ lệ thất nghiệp trong tháng 11 đã giảm xuống 7,7%, mặc dù còn cao hơn con số 6,5% vào thời điểm trước khi xảy ra khủng hoảng tài chính năm 2008. Đáng chú ý, mục tiêu giảm tỉ lệ thất nghiệp xuống 6,0-6,5% vào cuối năm 2015 do NHTW Mỹ đưa ra cũng tạo tâm lý phấn khích cho các nhà đầu tư.
Đây là tín hiệu tích cực, góp phần giảm nhẹ tâm trạng lo âu của các nhà đầu tư. Theo báo cáo do Fed đưa ra tại cuộc họp trong 2 ngày 10-11/12, kinh tế Mỹ dự báo sẽ tăng 1,5% trong năm nay, trước khi tăng 2,3-3% vào năm 2013. Theo đánh giá của cơ quan thống kê châu Âu (Eurostat) đưa ra ngày 06/12/2012, kinh tế khu vực euro năm 2012 suy giảm 0,4%, nhưng sẽ tăng 0,1% trong năm 2013; số liệu tương ứng tại 27 nước thành viên EU là -0,3% và 0,4%.
Những ngày cuối năm 2012, các nước EU và khu vực euro đã thông qua nhiều giải pháp hiệu quả, đặc biệt là tiếp tục hỗ trợ Hy Lạp để vượt qua khủng hoảng nợ công. Nhờ đó, lãi suất trái phiếu của chính phủ Hy Lạp đã giảm đáng kể, đây là điều kiện thuận lợi để quốc gia này giảm chi phí vay vốn và có thể giảm tỉ lệ nợ công theo lộ trình đề ra. Tại cuộc họp ngày 13/12 mới đây, các bộ trưởng tài chính EU đã nhất trí thành lập một cơ quan giám sát ngân hàng duy nhất trên toàn khu vực euro, một tổ chức cần thiết để đảm bảo ổn định tài chính tại khu vực euro và toàn EU, tiến tới thành lập liên minh ngân hàng và các bước tiếp theo trong quá trình nhất thể hóa châu Âu. Tuy nhiên, khu vực euro còn phải đối mặt với nhiều khó khăn, đặc biệt là những vấn đề liên quan đến nguồn lực tài chính, năng lực cạnh tranh và thị trường lao động. Theo nhận định của nhiều chuyên gia và nhà đầu tư, việc thắt chặt chi tiêu quá mức là nguyên nhân cơ bản đẩy khu vực euro lún sâu vào suy thoái, tỉ lệ thất nghiệp tăng từ 11,1% trong năm nay lên 12% vào năm 2012 và sẽ tiếp tục tăng cao trong thời gian tới.
Bên cạnh triển vọng khả quan, kinh tế thế giới vẫn chứa đựng nhiều rủi ro, đòi hỏi các nước phải đẩy mạnh cải cách, nếu không kinh tế toàn cầu có thể sẽ rơi vào suy thoái và năm 2013 chỉ tăng 2%. Giới quan sát tiếp tục tập trung sự chú ý vào các động thái của Trung Quốc, đặc biệt là khả năng thay thế mô hình tăng trưởng dựa vào xuất khẩu hiện nay bằng các động lực tăng trưởng trong nước theo hướng tăng cường cải cách thể chế, cải thiện cấu trúc công nghiệp và áp dụng tiến bộ công nghệ. Đây là tiền đề cần thiết để thay đổi đặc tính tiết kiệm và tiêu dùng toàn cầu, vốn bị mất cân bằng trầm trọng trong những năm gần đây, tỉ lệ tiết kiệm cao ở Trung Quốc cùng với mức tiêu thụ tương tự ở Mỹ đã nhanh chóng biến Trung Quốc thành chủ nợ của Mỹ. Tuy nhiên, nguồn tài sản tài chính khổng lồ với dự trữ ngoại tệ khoảng 3.200 tỉ USD và tài sản ngân hàng trị giá trên 15.000 tỉ USD tại Trung Quốc lại tương phản với chất lượng khá thấp, nên quốc gia này sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức trong quá trình chuyển đổi từ một cường quốc thương mại sang một cường quốc tài chính.
Tương tự, nhiều nền kinh tế khác tại châu Á – Thái Bình Dương cũng đang đối mặt với yêu cầu phải thoát khỏi sự lệ thuộc vào xuất khẩu, góp phần giảm nhẹ ảnh hưởng tiêu cực từ những biến động kinh tế toàn cầu trong tương lai. Vì thế, tăng trưởng kinh tế năm 2013 tại khu vực này vẫn nằm dưới mức tiềm năng, không còn đạt tốc độ tăng trưởng cao như đã đạt được trong thập kỷ qua. Châu Á – Thái Bình Dương cũng là khu vực tập trung phần lớn dân số thế giới, nên tăng trưởng cao là đòi hỏi cần thiết, nhưng việc chuyển đổi sang mô hình tăng trưởng bền vững theo hướng cân bằng cung cầu đòi hỏi phải có thời gian, trong khi đói nghèo đang hoành hành nhiều nước Nam Á và Tây Nam Á với trên 500 tiệu người sống dưới mức nghèo theo tiêu chuẩn của Liên hiệp quốc, chiếm khoảng 44% số người nghèo trên toàn thế giới.
Nhìn chung, tình hình kinh tế thế giới năm 2012 và những năm tiếp theo phụ thuộc vào nỗ lực cải cách tại Mỹ, khu vực euro và Trung Quốc, đây là những khu vực trọng điểm trong nền kinh tế thế giới.
Theo Ngân hàng Nhà nước

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

 
Bản quyền thuộc về công ty cao su thuận lợi -Email: rubberngochoi@gmail.com - Hotline:0918712879 | Rubber svr3l-svr10-svr20