Thứ Ba, 9 tháng 4, 2013

Phát triển vùng cao su Tây Nguyên để thoát nghèo


Phát triển vùng cao su Tây Nguyên để thoát nghèo

Tamnhin.net - 16 tháng trước 
(Tamnhin.net) - Cùng với cây cà phê, hồ tiêu, phát triển mạnh cây cao su theo quy hoạch nhằm khai thác tiềm năng đất đai và lao động để tạo ra sản phẩm hàng hóa có giá trị kinh tế cao là hướng đi đúng của Tây Nguyên.
Cao su- một loại rừng mới ở Tây Nguyên
Theo Ban Chỉ đạo Tây Nguyên, năm 2011, các tỉnh Tây Nguyên đã trồng mới thêm được trên 31.183 ha cao su. Như vậy, từ năm 2007 đến nay, các tỉnh Tây Nguyên đã trồng mới thêm hơn 100.000 ha cao su, hoàn thành chỉ tiêu trồng mới cao su trước 4 năm theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và đưa tổng diện tích cao su toàn vùng tăng lên trên 217.509 ha, đạt sản lượng mỗi năm 147.540 tấn mủ cao su khô, là vùng cao su lớn thứ 2 của đất nước sau Đông Nam Bộ. Diện tích cao su trồng mới tập trung nhiều nhất ở Tây Nguyên là các tỉnh Gia Lai, Kon Tum, Đắk Lắk. 

Các tỉnh Tây Nguyên cũng đã đưa các giống cao su mới vào trồng đại trà như PB 260, RRIM 600, RRIV 3, PB 312, RRIV 1, RRIV 2, RRIV 4, RRIC 100... Đây là các giống cao su có năng suất mủ cao, sinh trưởng khỏe, chống chịu một số bệnh lá chính, chống chịu môi trường (hạn, gió, nhiệt độ thấp...), đáp ứng tốt với kích thích mủ...Các doanh nghiệp trồng mới cao su của các tỉnh Tây Nguyên cũng đã giải quyết việc làm ổn định cho 4.800 lao động, trong đó có 28,6% lao động là đồng bào dân tộc thiểu số trong các vùng dự án. Do được đầu tư trồng mới, chăm sóc đúng quy trình kỹ thuật nên phần lớn diện tích cao su mới trồng của các tỉnh Tây Nguyên hiện đang phát triển tốt. Hiện nay, các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh cao su ở các tỉnh Tây Nguyên tập trung chăm sóc, phòng chống cháy cho cây cao su trong mùa khô này.


Khai thác mủ cao su ở xã Ia Dơk, huyện Đức Cơ, tỉnh Gia Lai

Thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Chính phủ các tỉnh Tây Nguyên đã tiến hành quy hoạch, chuyển đổi rừng tự nhiên nghèo kiệt, đất lâm nghiệp, đất trồng các loại cây công nghiệp ngắn ngày, dài ngày kém hiệu quả kinh tế sang trồng cao su. Trong quá trình điều tra hiện trạng rừng, đất rừng tại các khu quy hoạch trồng cao su tập trung, các tỉnh Tây Nguyên thực hiện, xem xét kỹ, cụ thể từng lô, khoảnh, không nhất thiết chuyển đổi rừng nghèo bằng mọi giá mà đất rừng nghèo chuyển đổi sang trồng cao su phải bảo đảm nguyên tắc loại đất đó phải phù hợp với sinh trưởng, phát triển của cây cao su, cho năng suất, hiệu quả kinh tế cao.

Tuy nhiên, các tỉnh vùng Tây Nguyên cũng đã xảy ra tình trạng giao đất, cho thuê đất ồ ạt, tràn lan để các doanh nghiệp phát triển cao su. Nguy hại hơn, một số địa phương lại giao đất, cho thuê đất cho một số doanh nghiệp chưa có kinh nghiệm trồng cao su, năng lực tài chính hạnchế (chủ yếu là doanh nghiệp tư nhân) nên xảy ra tình trạng mua đi bán lại dự án. Thậm chí, có dự án do điều tra, khảo sát không đầy đủ, giaođất trồng cao su cho doanh nghiệp chồng lên đất canh tác của dân nên luôn tiềm ẩn nguy cơ dẫn đến việc tranh chấp, khiếu kiện.
Các tỉnh Tây Nguyên cũng kiên quyết xử lý, thu hồi hàng chục dự án của các doanh nghiệp lợi dụng chủ trương chuyển đổi rừng nghèo, đất lâm nghiệp sang trồng cao su để phá rừng, khai thác lâm sản, chuyển nhượng dự án trái pháp luật.

Theo ông Trần Ngọc Thuận, Tổng Giám đốc Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (VRG), năng suất vườn cao su của các công ty thuộc VRG tại Tây Nguyên đã được cải thiện trong những năm qua nhưng mức tăng trưởng chưa đạt so với yêu cầu. Cần triển khai tích cực những giải pháp được đề ra qua các hội thảo khoa học và hội nghị giao ban kỹ thuật nông nghiệp để tăng nhanh năng suất các vườn cao su tại Tây nguyên. Trước mắt, tuân thủ nghiêm ngặt quy trình kỹ thuật khai thác mủ. Thâm canh những vườn cây năng suất cao: bón phân cân đối theo chẩn đoán dinh dưỡng, triển khai hố tích mùn, tích cực phòng trị các bệnh lá bằng máy phun cao, áp dụng chất kích thích mủ đúng quy trình và triển khai sớm từ đầu vụ khai thác, gắn máng che mưa cho miệng cạo. Tăng cường đội ngũ quản lý, kỹ thuật để đảm bảo việc thực hiện kế hoạch nâng cao năng suất vườn cây. Thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn kỹ thuật và trao đổi kinh nghiệm, tham quan học tập các mô hình tốt. Phối hợp với Viện Nghiên cứu Cao su Việt Nam để thực hiện các chương trình cải tạo và nâng cấp chất lượng vườn cây phù hợp theo từng nhóm cây.

Việc phát triển cao su đại điền, tiểu điền ở các tỉnh Tây Nguyên cũng đã giải quyết việc làm ổn định, tăng thu nhập cho hàng vạn lao động, nhất là lao động là đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ, góp phần thoát nghèo ở địa bàn chiến lược này.

Trong đó, đáng chú ý trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk có 3 công ty cao su: Ea Hleo, Krông Buk và Công ty Cao su Đắk Lắk thuộc Tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam ở Tây Nguyên đã giải quyết công ăn việc làm cho hơn 7.000 công nhân là người đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ ổn định cuộc sống, xóa nghèo... Các đơn vị kinh doanh cây cao-su trên địa bàn tỉnh Gia Lai đã luôn tạo mọi điều kiện thuận lợi và ưu tiên tuyển dụng lao động là đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ vào làm công nhân và nhận chăm sóc bảo vệ vườn cây cao su, nhằm giúp đồng bào xóa đói, giảm nghèo, cải thiện đời sống và tăng thu nhập. Cho đến nay, trong tổng số hơn 30 nghìn lao động đang làm việc tại các đơn vị sản xuất, kinh doanh cao-su trên địa bàn Gia Lai, có hơn 15 nghìn lao động là người dân tộc thiểu số tại chỗ, trong đó số đông là thanh niên.

Vũ Xuân
Ảnh: Internet

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

 
Bản quyền thuộc về công ty cao su thuận lợi -Email: rubberngochoi@gmail.com - Hotline:0918712879 | Rubber svr3l-svr10-svr20